Viêm gân vôi hoá (Calcific tendinitis – CT) là một rối loạn đau ở vai, đặc trưng bởi sự lắng đọng tại một hoặc nhiều vị trí ở chóp xoay khớp vai (rotator cuff – RC) hoặc bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai. Bệnh có thể tự thuyên giảm, trong nhiều trường hợp và có thể được kiểm soát bằng các phương pháp bảo tồn. Nhưng ở một số bệnh nhân khác vẫn xuất hiện đau vai trong một thời gian dài với các mảng vôi hoá không có dấu hiệu cải thiện. Gần đây, các phương pháp điều trị bảo tồn mới đang được sử dụng như kim chích qua da dưới hướng dẫn siêu âm (ultrasound-guided needling – UGN) và liệu pháp sóng xung kích hướng tâm (extracorporeal shock wave therapy – ESWT).
Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo từng năm. Trong 10–20% người bệnh, các mảng lắng đọng vôi hoá có thể xuất hiện ở cả hai bên. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới thường cao hơn nam giới. Độ tuổi mắc bệnh trung bình nằm trong khoảng từ 30 đến 50 tuổi. Đa số các mảng lắng đọng thường nằm ở vùng gân cơ trên gai, hiếm xuất hiện ở vùng gân cơ dưới gai hoặc các teres nhỏ. Hầu hết bệnh nhân là người ít vận động hoặc các bà nội trợ. Vai phải là vùng hay bị ảnh hưởng nhất.
Bệnh có thể được chia thành ba giai đoạn: cấp tính, bán cấp tính và mãn tính. Triệu chứng lâm sàng phổ biến là đau, có thể kèm theo hạn chế vận động. Đau cấp tính thường liên quan đến sự khởi phát của bệnh.
BỆNH SINH
Quá trình bệnh sinh của viêm gân vôi hoá được cho là do việc sử dụng quá mức của chóp xoay khớp vai dẫn đến lắng đọng canxi, vôi hoá trong gân. Ngoài ra, còn do sự thoái hoá ở gân dẫn đến thiếu máu cục bộ gây ra lắng đọng canxi.
Gần đây hơn, các nhà khoa học cho rằng, quá trình vôi hoá bắt đầu với sự hoại tử của các tế bào tenocyt do quá trình apoptosis cùng với sự tích tụ canxi trong tế bào, trải qua ba giai đoạn: tiền vôi hoá, vôi hoá và hậu vôi hoá. Trong giai đoạn tiền vôi hoá, có sự dị sản ở các mô sụn trong gân, sự thay đổi này khiến canxi tích tụ dễ hình thành hơn; giai đoạn này hiếm khi có triệu chứng. Tiếp theo là giai đoạn vôi hoá, tinh thể canxi lắng đọng trong gân; các cơn đau thường xảy ra nhiều nhất ở giai đoạn này. Giai đoạn hậu vôi hoá diễn ra sau khi cơ thể hấp thụ lại canxi tích tụ ở gân, gân sẽ được phục hồi bởi các mô mới.
CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ cho thấy sự lắng đọng canxi trong gân và xác định vị trí gân bị vôi hoá. Mục đích của việc này giúp bác sĩ theo dõi những thay đổi mức độ vôi hoá ở vai. Dựa trên sự thay đổi lượng canxi tích tụ, bác sĩ có thể xác định xem tình trạng bệnh của bạn sẽ tự lành hay cần phải phẫu thuật.
NHỮNG LỰA CHỌN ĐIỀU TRỊ
Hầu hết các trường hợp viêm gân vai vôi hoá đều có thể được điều trị bằng các phương pháp nội khoa mà không cần phẫu thuật. Bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), vật lý trị liệu, kim chích qua da dưới hướng dẫn siêu âm và liệu pháp sóng xung kích hướng tâm. Kết quả điều trị của liệu pháp không phẫu thuật được đánh giá bằng sự tồn tại của cặn vôi hoá sau 6 tháng điều trị.
Thông thường, giai đoạn cấp tính cần dùng NSAID để giảm đau, kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu thích hợp để tránh cứng khớp vai. Việc tiêm steroid tại chỗ trong giai đoạn cấp tính vẫn còn gây nhiều tranh cãi vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể mang lại tác dụng tích cực hoặc không, thậm chí có thể mang lại tác động tiêu cực bởi ngừng việc tái hấp thu các chất lắng đọng. Trong hầu hết các trường hợp, điều trị bảo tồn là đủ để giải quyết các triệu chứng.
* Kim chích qua da dưới hướng dẫn siêu âm là một phương pháp can thiệp được sử dụng phổ biến, vì nó không tốn kém và có thể thực hiện được trên bệnh nhân nhờ gây tê tại chỗ.
* Liệu pháp sóng xung kích hướng tâm đang ngày càng phổ biến. Sóng xung kích được sử dụng là sóng có mức năng lượng thấp (dưới 0,08 mJ/mm2), năng lượng trung bình (0,08–0,28 mJ/mm2) và năng lượng cao (0,28–0,60 mJ/mm2).
* Tiêm collagen tại chỗ giúp bổ sung nguồn nguyên liệu cho quá trình hồi phục, kích thích quá trình hình thành các mô mới, thay thế cho vùng gân bị tổn thương.
Khi so sánh giữa điều trị bằng liệu pháp đơn độc và kết hợp các liệu pháp điều trị thì phương pháp điều trị kết hợp có hiệu quả hơn trong việc giảm các triệu chứng và ít bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật hơn.
* Điều trị phẫu thuật
Sau khi các phương pháp điều trị bảo tồn thất bại, phẫu thuật loại bỏ các chất lắng đọng là lựa chọn còn lại. Nội soi khớp đã trở thành kỹ thuật được các bác sĩ lựa chọn để điều trị giai đoạn mãn tính của viêm gân vôi hoá, mang lại hiệu quả tương tự như phẫu thuật mở nhưng ít ảnh hưởng đến cơ delta hơn.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề khi tiến hành phẫu thuật vẫn được đưa ra tranh cãi, chẳng hạn như so sánh giữa những sửa chữa và những khuyết tật có thể tạo ra, khả năng loại bỏ hoàn toàn hoặc không hoàn toàn cặn canxi.
Bởi sự hồi phục của người bệnh sau phẫu thuật sẽ diễn ra rất chậm nên bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật đối với người bệnh không đáp ứng các điều trị bảo tồn trong hơn 6 tháng.
Viêm gân vôi hoá là bệnh lý được điều trị dựa theo giai đoạn tiến triển của bệnh. Mặc dù sự tái hấp thu canxi xảy ra trong phần lớn trường hợp, nhưng một số ít người bệnh vẫn bị đau dai dẳng, phải điều trị bằng các biện phấp bảo tồn, thậm chí phẫu thuật. Sử dụng kim chích qua da dưới hướng dẫn siêu âm thường được chỉ định trong giai đoạn cấp tính. Kết hợp với liệu pháp sóng xung kích hướng tâm và tiêm collagen tại chỗ trong trường hợp vôi hoá mạn tính. Điều trị phẫu thuật sẽ được xem xét khi các biện pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả trong hơn 6 tháng.
Tài liệu tham khảo:
Merolla, G., Singh, S., Paladini, P., & Porcellini, G. (2016), “Calcific tendinitis of the rotator cuff: state of the art in diagnosis and treatment”, Journal of orthopaedics and traumatology: official journal of the Italian Society of Orthopaedics and Traumatology, 17(1), 7–14.