Thoái hoá khớp (Osteoarthritis) là tình trạng gây đau ở khớp, thường ảnh hưởng đến các khớp lớn như khớp vai, khớp háng, khớp gối… hoặc các khớp ở bàn tay, ngón tay, cột sống. Thoái hoá khớp có thể do tuổi tác hoặc chấn thương, tai nạn dẫn đến tổn thương, đứt gãy, xơ hoá các sợi collagen là thành phần cấu trúc lên các mô, cơ quan ở khớp. Nó gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chức năng và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Hiện không có phương pháp điều trị dứt điểm tình trạng thoái hoá khớp, các lựa chọn điều trị thường chỉ giới hạn trong việc kiểm soát cơn đau và các triệu chứng. Trong đó, một số chiến lược về thay đổi và duy trì lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh đã được đưa ra giúp giảm bớt các triệu chứng và mang lại cuộc sống khoẻ mạnh cho người bệnh. Đó là:
1. Duy trì cân nặng hợp lý
Mối liên hệ quan trọng nhất giữa chế độ ăn uống và thoái hoá khớp là cân nặng. Béo phì hoặc thừa cân không chỉ làm gia tăng sức nặng cho các khớp, mà mỡ thừa còn làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm. Các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng giảm cân có thể làm giảm đau và cải thiện chức năng thể chất và khả năng vận động của khớp. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, giảm 10% trọng lượng cơ thể sẽ mang lại lợi ích tối ưu không chỉ trong giảm triệu chứng mà còn tăng cường sức khoẻ toàn cơ thể. Để đạt được điều này cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ tươi.
Đối với người bệnh thoái hoá khớp có liên quan đến tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch, việc giảm cân sẽ giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát các bệnh lý trên.
2. Giảm cholesterol
Bệnh nhân thoái hoá khớp có nguy cơ bị tăng cholesterol trong máu cao hơn những người khác. Trong mọi trường hợp, nếu cholesterol trong máu tăng lên, điều quan trọng nhất là phải thay đổi chế độ ăn uống để giảm nồng độ cholesterol – điều này cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ tim mạch. Các biện pháp ăn kiêng bao gồm:
– 2g sterol/ stanol thực vật mỗi ngày, những chất này có thể được tìm thấy trong các loại bơ, sữa chua…
– Giảm lượng thức ăn có nhiều chất béo bão hoà.
– Tăng lượng yến mạch và cá chất xơ hoà tan khác.
– Ăn các loại hạt (30g/ ngày)
– Tiêu thụ protein đậu nành (25g/ ngày) như đậu phụ, sữa đậu nành…
3. Bổ sung vitamin
Vitamin A, C, E là các chất chống oxy hoá, được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật, giúp bảo vệ cơ thể khỏi quá trình oxy hoá gây ra hiện tượng “stress oxi hoá” là nguyên nhân tiềm ẩn trong sự hình thành và phát triển của bênh viêm khớp, thoái hoá khớp. Vitamin A có nhiều trong cà rốt, cải xoăn, khoai lang, các sản phẩm từ dầu gan cá,… Vitamin C thì có nhiều trong trái cây có múi, ớt xanh, ớt đỏ… Còn trong dầu thực vật, bơ thực vật, ngũ cốc nguyên hạt… có chứa nhiều vitamin E.
Vitamin D rất cần thiết cho sức khoẻ của xương và sụn, nó cung cấp những tác động tích cực đến sức mạnh và sự cân bằng của cơ bắp. Tuy nhiên, hầu hết mọi người chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ vitamin này trong chế độ ăn uống của họ như cá có dầu, lòng đỏ trứng… Uống bổ sung vitamin D hàng ngày (khoảng 10 – 25 microgram/ ngày), đặc biệt là trong những tháng mùa đông sẽ giúp đảm bảo hàm lượng vitamin này trong cơ thể. Duy trì cân nặng hợp lý cũng có thể cải thiện khả năng hấp thụ vitamin D vì các nghiên cứu đã chỉ ra ràng những người béo phì thường có lượng vitamin D trong máu thấp do vitamin D tan trong chất béo nên khiến cơ thể khó dự trữ loại vitamin này.
Vitamin K có ảnh hưởng đến thoái hoá khớp thông qua vai trò trong việc tạo xương và sụn. Việc bổ sung một lượng nhỏ các chất béo và dầu từ dầu ô liu hay bơ thực vật… cũng giúp tăng hấp thu vitamin K trong các thực phẩm.
Trong nhiều năm qua, bằng chứng về tác dụng của các vitamin đối với bệnh xương khớp đã được chứng minh, bởi vậy cần đảm bảo bổ sung một lượng hàng ngày như một phần của chế độ ăn lành mạnh, một chế độ sống cân bằng. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng từ thực phẩm luôn được đánh giá cao hơn so với bổ sung bằng thực phẩm chức năng do bên cạnh các vitamin, chúng còn đi kèm với các chất dinh dưỡng khác.
4. Các khuyến nghị về dinh dưỡng và lối sống
– Chỉ số BMI từ 18 – 25 kg/m2.
– Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, hãy lên kế hoạch để giảm 10% trọng lượng cơ thể.
– Tập thể dục thường xuyên cải thiện các triệu chứng và duy trì sức mạnh cơ bắp.
– Bổ sung 1-2 phần cá có dầu mỗi tuần. Nếu không, hãy bổ sung bằng các thực phẩm chức năng chứa dầu cá.
– Sử dụng dầu thực vật chứa nhiều acid béo không bão hoà đơn như dầu hạt cải, dầu ô liu…
– Thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm lượng cholesterol trong máu khi tăng cao.
– Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hàng ngày để bổ sung vitamin D.
– Bổ sung nguồn thực phẩm giàu vitamin K và các chất chống oxy hoá như vitamin A, C và E như một phần của chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.
Hãy thực hiện những lời khuyên này hàng ngày để tối ưu hoá lượng vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống ở người bệnh thoái hoá khớp. Đồng thời, xin ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ xương khớp hoặc bác sĩ gia đình về những thay đổi trong chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt của bạn.