Viêm quanh khớp vai là bệnh thường gặp, gây đau buốt khớp vai, tổn thương phần mềm quanh khớp. Để phục hồi cử động vai tốt, ngoài các bài tập tại bệnh viện, người bệnh nên duy trì các bài tập viêm quanh khớp vai tại nhà.
Để duy trì kết quả tập luyện, đề phòng tái phát, người bệnh có thể thực hiện các bài tập dễ dàng sau tại nhà, tập luyện khoảng 30 phút/ lần, mỗi ngày tập từ 1-2 lần.
Khi bệnh nhân tập đúng kỹ thuật, thời lượng, sau khoảng 3 ngày, người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, các triệu chứng đau giảm đáng kể. Người bệnh tập từ 10 – 15 lần mỗi động tác.
1. Bài tập con lắc
Người bệnh đứng cạnh bàn hoặc giường, để tay tỳ vào bàn/ giường.
Hai chân đứng dang rộng bằng vai. Một tay chống trên giường và tay đau còn lại buông hướng xuống mặt sàn. Di chuyển thân mình, dồn trọng lượng từ chân trái sang chân phải, theo đó, khớp vai sẽ được xoay theo chiều kim đồng hồ. Sau đó chuyển tay ngược chiều kim đồng hồ.
Cử động tiếp theo, người bệnh hướng tay di chuyển từ phía trước ra phía sau và ngược lại. Sau đó, tiến hành cử động tay từ trong ra ngoài và ngược lại.
Lặp lại các cử động trên với tay còn lại.
Trong bài tập này, người bệnh chú ý thả lỏng tay đau theo trọng lượng cơ thể, không cố sức dùng tay để thực hiện cử động mà sử dụng sự lắc lư của cơ thể để cánh tay rơi tự do và lắc theo quán tính.
Để nâng cao hiệu quả của bài tập này, người bệnh có thể sử dụng một dụng cụ như một chiếc chuỳ gỗ hoặc chai nước để cầm bên phía tay đau và thực hiện bài tập tương tự.
2. Bài tập với gậy
Người bệnh sử dụng một cây gậy, hai tay cầm gậy với khoảng cách rộng vừa phải, đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, mắt nhìn thẳng phía trước.
Động tác thứ nhất, người bệnh đưa gậy lên phía cao trên đầu tối đa có thể, hai tay thẳng, tạo thành hình chữ V. Sau đó, người bệnh hạ gậy xuống về phía sau gáy, hai khuỷ tay gập tối đa có thể. Rồi người bệnh đưa tay trở về vị trí ban đầu.
Động tác thứ hai là động tác dang khép khớp vai trong mặt phẳng nằm ngang. Người bệnh nâng gậy lên trước mặt, sau đó từ từ di chuyển sang hai bên với một khuỷu tay duỗi và một khuỷu tay gập. Bệnh nhân thực hiện biên độ cử động tối đa có thể. Sau đó trở về vị trí ban đầu.
Động tác thứ ba là cử động dang khép khớp vai trong mặt phẳng đứng dọc. Người bệnh đưa một vai lên cao và một vai áp sát vào thân mình, nâng tay đau lên sau đó trở lại vị trí ban đầu, tiếp theo nâng tay sang bên đối diện.
Động tác thứ tư là cử động duỗi khớp vai, người bệnh đưa gậy về phía sau lưng. Người bệnh thực hiện cử động duỗi khớp vai, nâng 2 tay về sau tối đa có thể, sau đó trở lại tư thế ban đầu.
Động tác thứ năm là cử động xoay trong khớp vai, người bệnh từ từ nâng gậy lên trên phía lưng, nâng tối đa có thể, dùng tay lành hỗ trợ tay đau.
Mỗi cử động được thực hiện từ 10 -15 lần.
3. Bài tập với dây chun
Người bệnh đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, tay đau bám vào dây chun đã được chốt chặt một đầu vào vị trí cố định. Sau đó, người bệnh thực hiện cử động xoay trong khớp vai bằng cách đưa tay từ phía ngoài vào sát thân mình để thắng lực cản của dây chun.
Động tác tiếp theo, bệnh nhân xoay người trở lại với cánh tay áp sát vào thân mình, sau đó di chuyển tay từ trong thân mình ra ngoài, thắng lực cản của dây chun.
Bài tập với dây chun giúp người bệnh nâng cao sức mạnh của cơ vùng cánh tay và xương bả vai, ngoài ra còn làm vững chắc vùng xương bả vai và khớp vai.
4. Bài tập với khăn
Người bệnh có thể sử dụng một chiếc khăn như chiếc khăn tắm được cuộn lại ngay ngắn, một tay cầm phía trên, một tay cầm phía dưới của khăn.
Động tác đầu tiên người bệnh dùng tay lành kéo tay đau lên phía trên cao của lưng, tối đa có thể. Sau đó, người bệnh giữ ở vị trí này 10-15s, rồi hạ xuống. Sau đó, đổi vị trí tay, tay đau chuyển lên phía trên, tay lành nắm ở phía dưới của khăn. Dùng lực của tay lành kéo tay đau xuống, tối đa có thể. Giữ ở vị trí này 10 – 15 giây rồi đưa tay trở về vị trí ban đầu.
5. Bài tập bò tường
Người bệnh đứng đối diện với bờ tường, mũi chân cách tường khoảng 20 cm. Sau đó, người bệnh đưa tay đau đặt lên bờ tường và bò dần lên cao nhất có thể. Giữ ở vị trí này 10 – 15 giây. Có thể gia tăng cử động gập của khớp vai bằng cách áp sát người về phía tường tối đa có thể. Sau đó, người bệnh từ từ bò tay trở về vị trí ban đầu.
Động tác thứ hai, người bệnh xoay người đứng vuông góc với bờ tường, khoảng cách từ bờ ngoài chân tới tường là 20 cm. Người bệnh đưa tay đau đặt lên bờ tường và bò dần lên cao nhất có thể. Giữ ở vị trí này 10 – 15 giây. Cử động có thể được gia tăng khi người bệnh đưa sát khớp vai về phía bờ tường. Sau đó người bệnh từ từ dùng ngón tay bò về vị trí ban đầu. Động tác có thể lặp lại từ 10 – 15 lần.
Chú ý trong cử động này, người bệnh không được nghiêng người, xoay vai về phía bờ tường, chỉ được ép khớp vai về phía bờ tường để tránh các cử động thay thế.
Các bài tập trên không chỉ ứng dụng cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai mà những người bình thường cũng có thể tập luyện để giúp cho cơ thể thoải mái. Ví dụ những người làm việc văn phòng, ít có cơ hội vận động. Bài tập này sẽ giúp mọi người chống mỏi mệt phòng tránh các bệnh lý về cổ vai gáy, qua đó tăng hiệu quả, hiệu suất làm việc.