Chăm sóc sức khoẻ xương khớp trước đại dịch Covid 19

Một loại virus mới được phát hiện và đặt tên là 2019-nCoV đã được phát hiện và gây ra rất nhiều ca tử vong do ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và đường hô hấp. Vào ngày 11 tháng 03 năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là một đại dịch. Sự lây lan trên toàn thế giới của căn bệnh này đã gây ra những tác động rất lớn đến sức khoẻ cộng đồng. Trước tình trạng khẩn cấp này, nhiều quốc gia đã đưa ra các quy định về “giãn cách xã hội” dành cho tất cả mọi người, nên ở nhà và tránh tiếp xúc với những người khác để hạn chế sự lây lan toàn cầu của virus, “làm phẳng đường cong dịch bệnh” nhằm giữ số ca bệnh hàng ngày ở mức có thể kiểm soát được và giảm áp lực lên hệ thống y tế. Lời khuyên chung cho mọi người tại thời điểm này là tập luyện ở nhà và đảm bảo giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh xương khớp, đặc biệt là thoái hoá khớp lại có những điểm cần lưu ý riêng.

Thoái hoá khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 20% dân số thế giới. Nó có thể ảnh hưởng đến tất cả các mô của khớp, bao gồm sụn, xương, dây chằng và cơ. Viêm xương khớp có thể phát triển ở bất kỳ khớp nào, nhưng phổ biến nhất là khớp gối, khớp háng và các khớp bàn tay. Thoái hoá khớp thường xảy ra ở độ tuổi trung niên, sau 50 tuổi, nhưng cũng có thể xuất hiện sớm trong các trường hợp chấn thương khớp. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của thoái hoá khớp ở nam và nữ có sự khác biệt rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh, xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh hơn. Ở nhóm người trên 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh thoái hoá khớp gối có triệu chứng ở nam giới được ước tính là 10%, còn ở nữ giới là 13%. Do đó, nữ giới thường có khả năng bị thoái hoá khớp gối nặng hơn và đau hơn, đặc biệt là sau thời kì mãn kinh.

Đã có một số hướng dẫn được công bố để điều trị bệnh lý xương khớp. Hiệp hội nghiên cứu Thoái hoá khớp quốc tế (The Osteoarthritis Research Society International – OARSI) đã cập nhật và mở rộng hướng dẫn của mình về khuyến nghị trong điều trị, tập trung vào người bệnh bị thoái hoá khớp gối, khớp háng và đa khớp (thoái hoá nhiều khớp). Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân thoái hoá khớp gối, viêm khớp háng và đa khớp chủ yếu tập trung chủ yếu vào giáo dục về bệnh viêm khớp, các phương pháp tập thể dục và chế độ ăn uống. Tập thể dục không chỉ nâng cao sức khoẻ mà cũng có những tác động tích cực đến các mô khớp. Ngay cả những hướng dẫn gần đây nhất (2019) của Hội thấp khớp học Hoa Kỳ về quản lý viêm xương khớp ở tay, hông và đầu gối cũng nhấn mạnh vai trò của tập thể dục và giảm cân ở những bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối, hông, đặc biệt là những người thừa cân béo phì. Hai tổ chức này đã đưa ra các khuyến nghị có điều kiện về các bài tập thăng bằng cơ thể, thái cực quyền và yoga giúp cải thiện chức năng khớp, đặc biệt ở người bệnh thoái hoá khớp.

Bởi tập thể dục và kiểm soát cân nặng là hy vọng duy nhất để kiểm soát các triệu chứng của bệnh, chúng tôi đưa ra lời khuyên (đặc biệt là với phụ nữ bị viêm khớp) nên tập thể dục thường xuyên bất kể tuổi tác, bệnh lý mắc kèm, đau, mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc khuyết tật. Tuy nhiên, việc đóng cửa các trung tâm thể dục, hồ bơi, công viên trên toàn thế giới, đồng thời hạn chế không gian mở để giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc bệnh nhân thoái hoá khớp phải tiếp tục vận động và tập thể dục tại nhà. Cùng với duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và sử dụng thực phẩm chức năng đều có lợi cho người bị viêm xương khớp. Bởi vậy, những người bệnh nên tiếp tục vận động, đánh giá sự phù hợp và hiệu quả của bài tập tại nhà để có những điều chỉnh phù hợp. Có rất nhiều sự lựa chọn trên mạng, từ đi bộ đến yoga, thái cực quyền, pilates và các bài tập với ghế. Một số phòng tập thể dục có dịch vụ phát các bài tập trực tuyến theo yêu cầu. Ngay cả các dụng cụ tập thể dục đã để phủi bụi lâu ngày trên gác xép, nay cũng có thể được đem ra sử dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kết hợp giữa tập thể dục và chế độ ăn uống cân bằng.

Tại thời điểm này, lời khuyên tốt nhất được đưa ra đối với người mắc các bệnh xương khớp là ở nhà, đảm bảo an toàn, giữ gìn sức khoẻ bằng cách tập thể dục và ăn uống lành mạnh.

Tài liệu tham khảo: Ali Mobasheri (2020), “COVID-19, osteoarthritis and women’s health”, Case Rep Womens Health, 27, e00207.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *